Tin tức

Trong Báo Việt Nam Hương sắc số tết Kỷ Sửu có đăng bài "Đôi điều bàn thêm về cây thế" của tác giả Lê Doãn Đàm, bài báo định nghĩa từ THẾ và từ DÁNG như sau: "Thế là thế đứng theo mọi tư thế của người và vật thể hay còn gọi là phương hoặc trục tung và trục hoành trong toán học... Dáng là hình dáng, kiểu dáng, dáng vẻ của người và vật thể...Ứng dụng vào ngành an ninh có cách nhận dạng (hình dáng) riêng biệt của từng người". Đọc bài báo này tôi cũng như nhiều người chơi cây lâu năm không khỏi băn khoăn, tôi đã gặp bác Lê Quang Khang - Nhà nghiên cứu văn hoá sinh vật cảnh Việt Nam, tác giả cuốn sách Cây thế Việt Nam để trao đổi về bài báo này và bác Lê Quang Khang đã có quan điểm cụ thể về bài báo này. Được sự cho phép của bác Lê quang khang, tôi ghi chép lại ý kiến của bác gửi tới bạn đọc của Caycanhvietnam.vn.

          Đáng buồn là người viết bài báo này  chỉ có biết có mỗi một chữ THẾ dùng trong cụm từ "thế đứng" nên đã khẳng định liều: "Thế cây là thế đứng của cây cũng như thế đứng của võ thuật".

           Chữ Việt cũng như chữ Hán đều có nhiều chữ THẾ với các nghĩa khác nhau. Theo từ điển Tiếng Việt in lần thứ 8 năm 2001 thì có 6 từ thế:

          1. Thế: Đời (Miệng thế mỉa mai); 2. Thế: Tổng thể nói chung các quan hệ về vị trí tạo thành điều kiện chung có lợi hay không có lợi cho một hoạt động nào đó của con người (Thế núi hiểm trở, đang thế bí, thế mạnh, thế yếu, ỉ thế nói càn. Thế võ là từ THẾ này); 3. Thế: Thay vào (Thiếu phân đạm thì tạm thế phân xanh vào); 4. Thế: Từ dùng để chỉ điều như hoặc coi như đã biết (Viết như thế là sai, thế này thì ai chịu được); 5. Thế: Từ dùng để nhấn mạnh tính chất cụ thể gắn liền với thực hiện đã biết của điều muốn nói (Ai bảo thế); 6. Thế: Biểu thị sự ngạc nhiên (Ghét thế không biết).

         Còn THẾ trong chữ Hán, theo từ điển Hán Việt của tác giả Đào Duy Anh thì có  7 chữ thế gốc chỉ 7 nghĩa khác nhau:

         1. Thế: gả chồng cho con gái; 2. Thế: Đời, nghĩa hẹp là thời gian sống của một sinh thể, nghĩa rộng là xã hội loài người; 3. Thế: Trạng thái, cơ hội, quyền lực, khí chất; 4. Thế: thay thế; 5. Thế: Nước mắt; 6. Thế: cắt tóc;  7. Thế: cắt dãy cỏ hoang đi.

         Chữ THẾ trong cây thế Việt Nam mà ông cha ta dùng là chữ Hán, vì thú chơi này xưa kia là thú chơi của các tao nhân mặc khách và các cụ đều là những nhà túc nho và nó là chữ thế thứ 3 trong từ điển Hán Việt đã nêu ở trên. Chữ thế này gồm 3 chữ ghép lại: phía trên bên trái là chữ hạnh (hạnh phúc), bên phải là chữ hoàn (viên mãn), phía dưới là chữ lực (sức mạnh). Ông cha ta xưa đã tạo dựng cây thế làm biểu trưng cho con người mình. Người "Đội trời đạp đất ở đời" nuôi chí lớn lập "thân, thế và sự nghiệp", luôn lấy đạo lý làm gốc. Còn cây thì vững vàng bám đất, toả cành vươn ngọn lên trời, cùng đứng trong cõi trần và cũng có "thân" có "thế", có đạo. Cây với người đồng hoá, đồng cảm, đồng thanh, đồng khí, tương ứng, tương liên, thỷ chung như nhất. Vì vậy thế cây là thế người, nói đúng hơn là thế của con người Việt Nam. Như khi nói về thế cây "độc trụ kình thiên", một thế cây biểu đạt khí phách của người Việt ta, tác giả Trinh Đường có nêu:

"Trăm năm đứng giữa cõi trần

Toả cành vươn ngọn chống dần trời lên".

        Rõ ràng thế cây đâu phải là thế võ như bài báo nhầm lẫn. Hai THẾ đó hoàn toàn khác nhau. Chữ THẾ mà ông cha ta dùng trong nghệ thuật cây cảnh là thế nhân văn, mục đích để giáo dục đạo lý và bồi bổ nhân phẩm cho mọi thế hệ. Tôi đã sưu tập từ  nhiều vùng miền đất nước, tổng số khoảng 120 thế cây cổ. Các thế cây đều rất đẹp về hình thể và đều biểu đạt một chủ đề về đạo đức truyền thống của dân tộc, như các thế "Phụ tử tương tuỳ" (Cha con truyền nối); "Phụ mẫu tương thân" (Tình mẹ con sâu nặng); "Huynh đệ tương cố" (Anh em sống có nhau); "Bạch ốc xuất công khanh" (Nhà nghèo sinh bậc công hầu, khanh tướng); "Phương lão mai" (Hương thơm của cây mai già) ....

           Cây thế Việt Namlà một di sản văn hoá vừa là vật thể, vừa là phi vật thể của dân tộc ta. Bảo tồn loại hình cây thế cổ của ông cha để phát huy tác dụng tôn vinh cảnh quan và giáo dục đạo đức làm người, đồng thời không ngừng phát triển sáng tạo cây thế Việt Nam hiện đại vừa là đạo lý của con người Việt Nam đối với tiền nhân vừa là quan điểm của những ai có ý thức góp phần xây dựng nền văn hoá Việt Nam tiên tiến và đậm đà bản sắc dân tộc.

Bình luận:

Hỗ trợ trực tuyến

Hotline 097.427.8668 - 0983.893.133

Tư vấn trực tuyến

Sir Giang 0974278668
Sir Nam 0983893133

Đăng nhập


Đăng ký |

Tìm kiếm

Hình ảnh

Cây Phôi