Xu Hướng Thị Trường

Giờ đây, ở những làng hoa, cây cảnh danh tiếng của Hà Nội, những tòa nhà cao tầng đã mọc lên san sát. Nhưng giữa nhịp sống sôi động, náo nhiệt, thú chơi cây thế của người Hà Nội tựa như những cổ thụ, trầm lặng mà có sức sống mãnh liệt. Cái cầu kỳ đến khắc nghiệt trong nghệ thuật chơi cây thế đã và đang tiếp tục làm nên nét riêng biệt của đất Thăng Long văn hiến.

Mới sáng sớm, người ta đã thấy ông Nguyễn Gia Hiền (làng Triều Khúc, huyện Thanh Trì) loay hoay bên những chậu cây cảnh trước sân nhà. Cái công việc ấy, được ông tiến hành với thái độ cẩn trọng và tỷ mỷ như một người thợ kim hoàn với những thứ đồ kim loại quý hiếm. Mấy chục năm nay, ngày nào cũng thế. Cho dù đó là lúc còn bận chóng mặt cùng nhịp quay của xưởng dệt (nghề truyền thống của làng), để nuôi con ăn học, ông vẫn không bỏ cái lệ ấy. Sáng sớm, việc đầu tiên là ra vườn. Tối, khi công việc xong xuôi, lại trải chiếu ra đầu hè, bao nhiêu trăn trở suy tính của một ngày, bỗng tan biến khi ngắm những thế cây. Kia là dáng trực, như lời dạy của tiền nhân, con người sống trong thời cuộc nào, cũng phải lấy ngay thẳng làm đầu. Ðây là thế bạt phong hồi đầu, dù có đi đâu người ta vẫn phải nhớ gốc tích của mình... "Trong mỗi vườn cảnh của người Triều Khúc luôn có một "cây chủ". Nếu không có cây chủ, thì vườn có nhiều cây đẹp đến mấy, cũng bị coi như một gia đình đông anh em, nhưng không có thứ tự..." - ông Hiền trầm ngâm tâm sự.

Vườn cảnh nhà ông Nguyễn Gia Hiền không lớn, chừng hơn hai chục chậu cảnh, nhưng "cây chủ" của khu vườn là một cây thế nghệ thuật khá nổi tiếng. Ðó là cây sanh cổ, từng giành giải đặc biệt trong Festival Hoa, cây cảnh nghệ thuật lần thứ nhất tại TP Hồ Chí Minh năm 2006. Ngày ấy, đã có người muốn mua cây sanh với giá ba tỷ đồng. Sau đó giá của cây sanh cổ đã tăng lên 300 nghìn USD, nhưng cây sanh quý vẫn nằm trong khu vườn nhà ông Hiền. Không phải gia đình ông Hiền không cần tiền, mà vì cây sanh này được coi là đồ gia bảo, muốn bán, phải có ý kiến họ hàng. Rồi khi họ hàng có đồng ý bán, cũng phải làm lễ xin tổ tiên chấp thuận. Cây sanh chí ít hơn trăm tuổi, từng gắn bó với mấy đời người trong gia tộc... Hồi ông Hiền chưa sinh ra, cây sanh này được chăm sóc bởi bàn tay ông nội ông. Sau này, nó được trao thừa kế cho ông cụ thân sinh ra ông Hiền. Ông cụ mất, ông Hiền được giao trách nhiệm chăm sóc. Năm 1968, thời ông Hiền còn tráng niên, vì cuộc chiến tranh chống ngoại xâm khốc liệt, người Hà Nội tạm gác những thú chơi lãng mạn, nhưng vẫn có người bạo tay đòi mua cây sanh ấy với giá năm chỉ vàng. Khi chiến tranh kết thúc, vào thời buổi đa phần các gia đình rất khó khăn để chạy ăn từng bữa, cây sanh đó đã được nhiều người dạm mua, mà giá trị của nó, lúc đó đã ngót nghét 10 cây vàng... Nhưng có lẽ, cây sanh cổ này không nổi tiếng đến vậy, nếu không có sự "liều lĩnh" của ông Hiền. Nguyên cây sanh này có dạng cành tán đĩa, đạt mọi chuẩn mực của cây thế, nhưng đột nhiên, người ta thấy ông... chặt trụi cành của cây sanh cổ. Giới chơi cây điếng người tiếc rẻ, nhưng sau này nhìn lại, mới thấy ông Hiền có lý. Gần hai mươi năm sau ngày ông Hiền làm cái việc nhiều người cho là "thất lễ" với tiền nhân, nhà báo Lê Quang Khang, một người chuyên viết về sinh vật cảnh Việt Nam - đã thừa nhận, ông Hiền chính là người tiên phong trong định hình một lối chơi mới. Ðó là những cây thế tuân thủ theo nguyên tắc chơi truyền thống, nhưng các "tay" thưa thoáng, khoe được những vẻ đẹp về gốc, thân lẫn cành. Về điều này, ông Hiền chỉ nói ngắn gọn: Ðó là vẻ đẹp "phô cành rõ lá".

 

Cây sanh của Ông Hiền tham gia festival Thanh Hóa

 

Ở làng Triều Khúc, còn có một cây đa mang dáng dấp cây đa làng, của ông Vũ Văn Châu (Hội viên Hội Sinh vật cảnh Hà Nội) cũng được xếp vào hàng gia bảo. Cây đa này có lý lịch khá dài. Thuở ban đầu, đó là sở hữu của ông ngoại ông Châu, sau truyền cho ông cậu. Tuổi của nó, bà dì ông Châu cho biết là khi còn bé, bà đã thấy các cụ chơi rồi. Thấy ông cậu không mê chơi cây lắm, ông Châu nghĩ cách "rước" về. Xin thì khó, mà mua, ông cậu cũng không bán. Triều Khúc vốn có nghề dệt, và cách đây hơn 20 năm, ông Châu đã đổi cây đa đó bằng một bộ máy dệt - một khoản tiền không nhỏ thời bấy giờ. Vốn cây đa đó đã đẹp, nhưng ông Châu bạo tay làm lại. Hơn chục năm sau, cây đa này đã khởi nguồn cho lối chơi "cây đa làng" trong giới chơi cây trong nam ngoài bắc.

Cây thế là một tác phẩm nghệ thuật sống, biến đổi cùng với thời gian. Và những nghệ nhân của đất Thăng Long như ông Hiền, ông Châu đã kỳ công để tôn thêm vẻ đẹp vốn có. Mỗi cây đều mang những triết lý nhân sinh, được truyền từ đời này sang đời kia, như một thông điệp của thế hệ trước truyền cho thế hệ sau. Vì thế giữa cây và người dường như có một mối giao hòa. Với nhiều người, cây được coi như một thành viên trong gia đình, khi nhà có đám hiếu, mỗi cây trong vườn được khoanh một vòng tròn vôi, hoặc đeo một dải băng đen, nhất là những cây gắn bó lâu năm với gia chủ. Ông Vũ Văn Châu còn nhớ, bà cụ thân sinh ra ông, dù chẳng hiểu gì về nghệ thuật chơi cây, nhưng có lần ông đưa "cây đa làng" đi triển lãm, bà cụ thấy bồn chồn không yên, cứ liên tục gọi điện đòi ông con trai đưa cây về mới thấy yên lòng...

Người ta thường nói những người chơi cây thế là người "đánh cắp thời gian" khi tạo những nét cổ kính trên thân, rễ cây. Nhưng với giới chơi cây Hà Nội, điều đó không hoàn toàn đúng. Những cây có tuổi dăm chục năm trở lên, dáng đẹp mới có thể được coi là một phôi tốt. Từ phôi này nghệ nhân mới bắt đầu quá trình tạo tác, những vết cắt tỉa, những nhát kéo tạo dấu ấn tuổi tác cho cây phải khéo léo đến độ người xem không nhận ra đó là nhân tạo, mới được coi là thành công. Từ một phôi đẹp, đến lúc trở thành một tác phẩm nghệ thuật, nhanh nhất cũng mất năm đến bảy năm.

Ðể tìm được những phôi đẹp, nhiều người chơi cây thế của Hà Nội không tiếc công đi khắp mọi miền tìm kiếm. Có người khi tìm được phôi quý, không dám dùng từ "chở" mà thường nói "đưa" hay "rước" "cụ cây" về. Rước về, người nghệ nhân nương theo cái đẹp sẵn có, để tạo ra những tác phẩm mới. Một trong những cây thế có tiếng ở Hà Nội của họa sĩ Ðặng Xuân Cường là cây sanh thế phượng vũ. Hơn chục năm trước, khi đi công tác ở Ninh Bình, ông nghe tin nhà nghệ nhân Ký Viên có một cây cảnh cổ thụ hơn trăm năm. Ðến nơi, họa sĩ không khỏi ngạc nhiên trước một hòn non bộ lớn, trên đó là quần thể cây sanh thế "Cửu thế đồng cư" - một tích nói về chín anh em sống hòa thuận trên một ngọn núi. Nhiều người từng dạm mua, nhưng phải đến khi gặp người tâm giao là họa sĩ Cường, nghệ nhân Ký Viên mới nhượng lại cụm sanh này. Khi "rước" cây về, họa sĩ Ðặng Xuân Cường đã đứng trước một quyết định khó khăn. Quần thể sanh này không phải không đẹp, nhưng cái độc đáo nhất của chúng là bộ rễ ôm lấy khối đá non bộ như thế rồng uốn mình, để tôn thêm nét độc đáo này, phải loại bỏ bớt phần thừa. Trăn trở mãi, ông bỏ đi bảy cây và chỉ giữ lại hai cây, một dáng trực (thẳng), một dáng huyền (đổ xuống) để biến thành thế cây phượng vũ. Thế cây độc đáo này tựa như một con chim phượng sà từ trên núi xuống, còn bộ rễ khiến người xem liên tưởng thân một con rồng cuồn cuộn.

Hiện nay, họa sĩ Ðặng Xuân Cường là chủ sở hữu một vườn cảnh lớn đối diện sân vận động quốc gia Mỹ Ðình. Nhưng đó không phải là cái được duy nhất khi đến với cây. "Từ ngày chơi cây, có nhiều bạn bè tâm giao tri kỷ, chỉ vì cùng nhận ra vẻ đẹp của một thân cây, mà tâm tình cả ngày không biết chán. Ðến với cây, không ai còn phân biệt chức tước, giàu nghèo, người có bạc tỷ cũng trọng người nghệ nhân nghèo, nếu đó là người có kiến thức. Nếu như bonsai chỉ là "thu nhỏ thiên nhiên trong gang tấc" thì cây thế nghệ thuật, một đặc trưng của nghệ thuật chơi cây người Việt mình là "trong gang tấc phản ánh thế muôn dặm". Thế muôn dặm ở đây là những triết lý sống, ví như thế "Tình mẹ" khiến người ta suy nghĩ đến tình cảm gia đình, rộng hơn là tình yêu với Ðất Mẹ - quê hương; thế "Huynh đệ" nhắc nhở con người anh em trên kính dưới nhường. Những triết lý trong chơi cây góp phần hình thành một thứ đạo - đạo trong ứng xử người với người, người với cây - họa sĩ Ðặng Xuân Cường tâm sự.

Cây thế hơn trăm tuổi được coi là những món "đồ cổ sống". Thứ "đồ cổ sống" này có thể được gìn giữ hàng trăm năm bởi một gia đình, cũng có thể nó tồn tại trong thiên nhiên một thời gian dài, rồi được bàn tay con người tạo tác. Loại thứ nhất bao giờ cũng đặc biệt hơn, vì nó gắn bó với số phận con người, với những thăng trầm lịch sử. "Ðồ cổ sống" không thể đào bới, tìm kiếm như đồ cổ thông thường, cũng không dễ gìn giữ khi xảy ra chiến tranh loạn lạc, đó là lý do cây thế cổ có giá trị khiến nhiều người kinh ngạc. Ðể tránh những hiểu lầm, những cây quý đều được các nghệ nhân Hà Nội làm "lý lịch". Các nghệ nhân như ông Hiền, ông Châu, họa sĩ Ðặng Xuân Cường... đều có những bộ ảnh về sự phát triển của những cây qua từng thời kỳ, trong khoảng vài chục năm trở lại đây. Việc tạo dấu ấn tuổi tác bởi con người, dù khéo đến mấy, dưới con mắt nghệ nhân, vẫn không thể lẫn với những yếu tố thiên tạo. Vì thế, Hà Nội hiện có những vườn cảnh không lớn nhưng trị giá hàng chục, nếu không muốn nói là hàng trăm tỷ đồng. Song, không phải ai có tiền cũng đến được với cây. Mất hàng chục năm mới tạo được một tác phẩm đẹp, nên người nghệ nhân khi bán thường "chọn mặt gửi vàng"...

Người ta thường lo lắng, kinh tế phát triển dễ làm những nét văn hóa truyền thống bị mai một. Hà Nội đang đổi thay từng ngày. Nghi Tàm nổi danh là làng hoa, cây cảnh, nhưng giờ nhà cao tầng, biệt thự lấn lướt mầu xanh của những vườn cây. Thị trường có những cây thế giá bạc tỷ, nhưng thường người ta phải đánh đổi cả mấy chục năm, có khi cả đời người cho cây mà chưa chắc đã tạo được đỉnh cao. Một tòa biệt thự xây cho thuê, vừa ăn chắc, mà không hẳn gia chủ thu được ít tiền hơn. Hẳn là những người yêu mến văn hóa truyền thống sẽ phiền lòng khi chứng kiến điều ấy. Nhưng họa sĩ Ðặng Xuân Cường lại có cái nhìn "đa chiều" hơn. Theo ông, "kinh tế không phát triển, lấy đâu ra người mua cây? Mà thiếu người mua cây, động lực tạo ra đỉnh cao trong nghệ thuật cây thế của người nghệ nhân cũng bị giới hạn". Hóa ra, sự xung đột vừa nói, chỉ đúng với cây thế nghệ thuật, nếu xét trên phạm vi hẹp. Sự phát triển kinh tế mạnh mẽ, khiến công sức của người nghệ nhân làm ra cây thế, được đánh giá đúng hơn, khiến người ta thêm đam mê.

Những cây thế cổ thụ trầm lặng mà có sức sống mãnh liệt. Ngay ở Nghi Tàm, đất chật hơn, nhưng nhiều người vẫn không từ bỏ niềm đam mê này. Những sân thượng được biến thành vườn cảnh, cho dù, việc chăm sóc đòi hỏi nhiều công sức hơn. Làng Triều Khúc, nhìn vẻ bề ngoài, người ta dễ ngao ngán bởi sự ô nhiễm môi trường của một làng nghề, nhưng đi sâu vào từng ngõ nhỏ, sẽ gặp được những không gian xanh mát bởi những tiểu cảnh non bộ. Ngôi làng nhỏ bé ấy có tới vài chục hội viên cây cảnh, có cả những hội viên tuổi mới đôi mươi mà thâm niên chơi cây đã bằng nửa tuổi đời. Bước vào những khu vườn ấy, bên những tiếng rầm rập của máy dệt và cả mùi nồng nồng từ những xưởng nấu nhựa phế thải, mới cảm nhận rõ hơn rằng, dù vòng quay của cơ chế thị trường có khắc nghiệt đến mấy, người Hà Nội vẫn rất mực hào hoa.

Bình luận:

Hỗ trợ trực tuyến

Hotline 097.427.8668 - 0983.893.133

Tư vấn trực tuyến

Sir Giang 0974278668
Sir Nam 0983893133

Đăng nhập


Đăng ký |

Tìm kiếm

Hình ảnh

Cây Phôi